Quên xe máy đi, qua Nhật phải biết những phương tiện này?
Chắc hẳn nhiều bạn trẻ khi qua Nhật học tập và làm việc luôn bất ngờ khi ở đây rất ít người dân di chuyển bằng xe máy, trong khi đó ở Việt Nam nó là phương tiện rất phổ biến. Để các bạn không bỡ ngỡ, bài viết này Seishin giới thiệu tới các bạn những phương tiện đi lại chính ở Nhật Bản và điều lưu ý khi sử dụng chúng.
1. Hệ thống giao thông ở Nhật Bản
Nhật Bản phân chia các tuyến đường giao thông rất rõ ràng và cũng phân làn đường riêng cho từng loại phương tiện. Khi đến Nhật Bản, bạn sẽ vô cùng bất ngờ bởi hệ thống giao thông hiện đại và trật tự. Hệ thống đường cao tốc, các chuyến bay nội địa chất lượng cao, bạn dễ dàng đến bất kỳ nơi nào trên đất nước Nhật Bản một cách nhanh chóng và thuận tiện. Ngoài ra, ở Nhật Bản chúng ta cũng có thể sử dụng phà để đi đến các hòn đảo khác nhau như từ Kyushu, Hokkaido đến Kobe, Osaka, Tokyo.
Khi di chuyển trong nội thành, bạn có thể sử dụng các phương tiện di chuyển như tàu điện ngầm, xe buýt hoặc dịch vụ taxi để đi lại ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.
Ở Nhật Bản, không có nhiều người đi xe máy, nhưng rất nhiều người đi xe đạp. Nhật Bản có taxi, nhưng được biết đến là phương tiện di chuyển khá đắt đỏ. Nếu bạn đi taxi ở Việt Nam đồng hồ tính tiền bắt đầu tính phí từ 15.000 VND (giá mở cửa) nhưng ở Nhật Bản giá mở cửa là 700 yên (khoảng 140.000 VND). Nhật Bản không có sự xuất hiện của các ứng dụng công nghệ đặt xe như Grab, Gojek ... Vì vậy, bạn hãy đọc kỹ những thông tin dưới đây để chọn được phương tiện phù hợp và tiết kiệm chi phí nhất.
2. Cách sử dụng tàu điện ở Nhật để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người mới
Sống ở Nhật Bản, phương tiện di chuyển mà mọi người thường sử dụng để đi lại là tàu điện. Trên thế giới, Nhật Bản còn được mệnh danh là “xứ sở của tàu điện”, dù bạn có đi đâu thì cũng thường đi tàu điện là tiện lợi nhất nên Seishin sẽ phân tích kỹ phương tiện này nhé.
Ga Tokyo được coi là ga trung tâm, điểm kết nối với nhiều tuyến tàu chạy qua. Ga Tokyo được xây dựng vào khoảng năm 1920 và có lịch sử khoảng 100 năm cho đến nay. Ngoài ra, ga Shinjuku đã lập kỷ lục Guinness thế giới, nó được coi là nhà ga xe lửa bận rộn nhất trên thế giới, có nghĩa là "nhà ga có nhiều người sử dụng nhất trong một ngày". Theo thống kê, có hơn 3,5 triệu người sử dụng ga Shinjuku mỗi ngày.
Tuy mạng lưới tàu điện dày đặc, số lượng người di chuyển trong cùng 1 thời điểm rất lớn gây áp lực lên hệ thống nhưng việc Tàu phải chạy đúng giờ quy định lại là điều bắt buộc. Do đó, khi bạn quyết định lựa chọn phương tiện này cần nắm kỹ “bảng giờ tàu chạy” và đến sớm hơn một chút để lựa chọn cho mình không không gian thoải mái khi di chuyển. Tàu điện của Nhật sẽ phát thông báo “Tàu bị trễ, chúng tôi vô cùng xin lỗi” khi tàu trễ trên 3 phút, điều này cũng không hay xảy ra nên bạn đừng quá hy vọng việc mình trễ vài phút cũng không sao như ở Việt Nam nhé.
Lần đầu bạn đi tàu điện ở Nhật Bản thì đó sẽ là thử thách, ngay cả người Nhật còn khá bối rối khi đi tàu điện ở Tokyo. Đừng lo, Seishin chia sẻ cho bạn một vài TIP thông tin quan trọng để biến thử thách thành trải nghiệm thú vị.
Các tuyến tàu điện tại các nhà ga trung tâm luôn có đường ray chồng chất lẫn nhau. Khi bạn nhìn bản đồ thì thấy có nhiều đường màu khác nhau, cắt ngang và kết thúc tại một điểm khá xa nơi bạn đang đứng. Đừng lo, chỉ cần tập trung ga mình muốn đến ở đâu và theo màu sắc của nó mà lựa chọn ga đi phù hợp.
Ngay khu vực mua vé, nếu bạn không biết phải làm gì thì hãy gọi nhân viên nhà ga, chỉ cần bấm nút sẽ có người hỗ trợ bạn. Bạn chưa thành thạo tiếng Nhật để tự trao đổi thì nên đi cùng với Thầy, Cô hoặc bạn bè, còn nếu đi một mình thì nên cầm theo bản đồ, cài sẵn các App phiên dịch VIỆT - NHẬT như Google dịch chẳng hạn.
Trước khi đi, bạn nên xem trang Hướng dẫn giao thông “JORUDAN” này trước để có những thông tin cơ bản và có thể học được những từ ngữ thông dụng sử dụng tại nhà Ga.
Bạn phải luôn sẵn sàng tinh thần phải đi bộ trong quá trình di chuyển từ bãi đổ xe đến Ga, từ các khu trong nhà Ga. Chẳng hạn: “Nếu đi từ ga Tokyo đến Disneyland sẽ sử dụng tuyến Keiyo, để đi từ Cổng chính đến nơi có tuyến Keiyo đi bộ hơn 5 phút đấy”.
Cao điểm của tàu điện cũng giống Việt Nam là đầu sáng đi làm (6h00 - 8h00) và chiều tối làm về (18h00 - 20h00). Vậy nên, bạn không có việc gì cần thiết hoặc quá gấp thì nên lựa chọn giờ thấp điểm để di chuyển.
3. Quy tắc ứng xử khi đi Tàu điện
Bạn cũng đã hiểu được nhu cầu đi lại bằng Tàu Điện ở Nhật là rất cao, số lượng người đi lại rất nhiều nên cũng cần có những quy tắc ứng xử phù hợp để tránh làm phiền người khác. Seishin chia sẻ một vài quy tắc ngay dưới đây:
- Khi chờ tàu, tuyệt đối không đứng gần đường ray, đi theo hướng dẫn bằng vạch kẻ màu vàng hoặc của nhân viên nhà Ga.
- Đợi người trên tàu xuống hết rồi hãy lên tàu bạn nhé.
- Hạn chế tối đa nói chuyện điện thoại trên tàu. Đôi khi có một số chuyến rất khắt khe, điện thoại phải ở chế độ rung hoặc im lặng để tạo sự yên tĩnh cho các hành khách xung quanh.
- Chụp ảnh trên tàu là điều cấm kỵ và bạn không nên nói to trên tàu.
Có những vấn nạn ở Nhật Bản hay xảy ra khi di chuyển trên tàu điện, bạn cũng nên lưu ý để đưa ra quyết định thích hợp và đảm bảo an toàn cho bản thân.
Có nhiều người uống rượu, bia đến mức say xỉn, ngủ luôn trên tàu hay gây ồn ào trên tàu. Trong những trường hợp như vậy, nếu họ có làm ảnh hưởng đến bạn hoặc muốn gây sự thì hãy liên hệ với nhân viên nhà Ga, đừng cố gắng tranh cãi hay tác động vật lý, nếu không muốn gặp cảnh sát.
Việc bị sàm sỡ (động chạm vào cơ thể) là chuyện có xảy ra tại Nhật, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp tốt để giảm thiểu vấn đề này. Như với phụ nữ, có tàu điện chuyên dụng dành cho nữ giới, bạn có thể tìm hiểu chuyến này để di chuyển.
4. Quy tắc giao thông dành cho Xe đạp
Chắc chắn khi đến Nhật, đặc biệt là du học sinh hay Thực tập sinh luôn được khuyến khích thuê trọ gần nhà Ga, gần trường và phương tiện đi lại tại các điểm gần là bằng xe đạp. Rất ít người dân sử dụng xe máy và bạn không nên làm liều đi xe máy khi chưa có bằng lái, phạt rất nặng và ảnh hưởng đến hạnh kiểm của bạn nếu còn đi học. Nhật Bản khuyến khích người dân đi xe đạp, do đó cũng sẽ có nhiều luật và quy tắc giao thông được ban hành. Seishin cung cấp một số thông tin chính và sẽ có bài viết cụ thể hơn về phương tiện “Xe đạp”. Bạn hãy đón đọc nhé.
Đọc kỹ biển báo, không phải khuyến khích đi xe đạp thì mọi tuyến đường đều được đi xe đạp. Tip nhỏ: bạn có thể xuống xe và dắt bộ đi qua nếu bạn cần phải đi qua đoạn đó.
Chạy xe đạp vào ban đêm chắc chắn phải mở đèn nếu không muốn bị các anh áo xanh đen hú còi. Khả năng xin tha lỗi và bỏ qua vì lý do “Bởi vì đèn đang bị hỏng” là rất khó. Do đó, cứ làm đúng luật.
Luật cũng quy định, một người điều khiển một xe đạp, không chở thêm người lớn ngồi sau. Đừng chở đông chở vui như Việt Nam nhen bạn, bị phạt đó.
5. Thông tin chính khi bạn di chuyển bằng Xe Bus
Xe Bus Nhật Bản cũng là phương tiện công cộng đông thứ 2 chỉ sau Tàu điện. Bạn muốn tiết kiệm chi phí đi lại trong nội thành thì nó là phương tiện luôn được lựa chọn.
Bến xe Bus hầu hết khởi hành và điểm kết thúc chặng là các ga đường tàu điện chủ yếu tại thành phố đó.
Thời gian chạy của xe Bus: Bạn có thể tìm kiếm hoặc xem thời gian chạy của xe tại các bến đỗ hoặc tra trên app. Tại các thành phố đông dân như Tokyo thì khả năng bị kẹt xe là rất cao nên bạn cũng nên chuẩn bị một lượng thời gian phù hợp để tránh trễ công việc.
Sơ đồ chạy của xe Bus đều có ghi rõ hướng đi đến đúng trạm và đúng tuyến mà bạn muốn. Nếu bạn còn đang hoang mang hay không biết hướng chạy của xe thì hãy hỏi tài xế hoặc hành khách đi cùng.
Cách đón xe Bus: Tại các điểm dừng xe Bus, khi bạn thấy xe mà mình muốn đi hãy giơ tay vẫy rồi lên xe.
Các hình thức trả tiền khi đi Bus, có 2 cách bạn nên tham khảo:
Trả tiền trước: Đồng giá trên toàn tuyến, bất kể khi bạn lên điểm giữa và xuống ngay điểm sau đó, ví dụ 500 yên /lượt
Trả tiền sau: Bạn lấy số khi lên xe Bus (chỉ cần ấn nút trên máy của xe). Khi xuống hãy nhìn lên bảng điện tử của xe và trả đúng số tiền.
Xuống xe Bus thì bạn hãy bấm nút xuống xe trước khi trạm bạn muốn tương tự như xe Bus Việt Nam.
Có 4 cách thanh toán tiền xe buýt tại Nhật Bản
+ Thanh toán bằng tiền mặt: Trả trước hay trả sau tùy tuyến như đã nói ở trên bạn nhé.
+ Thanh toán bằng Vé xe bus cũng giống mua vé tháng ở Việt Nam thôi.
+ Thanh toán bằng ID card: Bạn mua thẻ này ở các trạm, trong thẻ luôn có sẵn tầm 1500-2000 yên để bạn thanh toán khi đi xe. Khi không có nhu cầu sử dụng nữa hãy trả lại thẻ và được hoàn phí mua thẻ. Nếu bạn sử dụng hết tiền trong thẻ thì nạp tiền bằng 1 trong 2 cách
* Chuyển khoản tiền sang thẻ này
* Khi lên xe báo với tài xế để nạp thêm tiền.
+ Thanh toán bằng thẻ trả trước
6. Quy tắc ứng xử khi sử dụng Bus tại Nhật
Bạn lưu ý “Không nói chuyện với tài xế khi xe buýt đang chạy”. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy hỏi lúc xe buýt dừng lại.
Luôn chọn vị trí ngồi chắc chắn, nhường ghế cho cho các trường hợp đặc biệt, nếu đừng hãy cầm cái tay vịn thật chặt nhưng an tâm tài xế ở Nhật không có lạng lách như các “ông vua đường phố” như Việt Nam đâu.
Cũng giống như tàu điện, không được ăn, uống trên xe Bus nhé. Nếu có ăn thì nên ăn đồ khô hoặc nhỏ gọn thôi, tránh làm phiền người khác.
Qua bài viết này, Seishin đã cung cấp cho bạn một lượng thông tin để bạn chủ động hơn trong quá trình di chuyển tại Nhật Bản. Chúc bạn thành công trong con đường đi du học hay làm việc tại Nhật.
Công ty cổ phần Seishin thành phố Hồ Chí Minh
Chuyên đào tạo Nhật ngữ, tư vấn du học và việc làm tại Nhật
Địa chỉ: 154 Phạm Văn Chiêu, Phường 9, Quận Gò Vấp, TP. HCM
Website: www.seishin.vn
Hotline: Thầy Lê Tuấn - 038 683 2699